Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc 

Nhằm tranh thủ các cơ hội khi Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạch để xuất khẩu hiệu quả sang thị trường này.

Chú thích ảnh
Chế biến sản phẩm dứa đóng hộp xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm An Giang (tỉnh An Giang). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Cơ hội, thách thức song hành

Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2022 đạt kỷ lục 732 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021. Đặc biệt hơn, Việt Nam có mức xuất siêu vượt 11 tỷ USD. Trong đó, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản có giá trị xuất siêu chiếm tới 2/3 tổng giá trị xuất siêu của cả nước. Đây là một điểm sáng ấn tượng giữa bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. 

Đáng nói, năm 2022, Trung Quốc là nước có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất với Việt Nam với 177,7 tỷ USD. Như vậy, xuất nhập khẩu của Trung Quốc chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Từ tháng 1/2023, Trung Quốc mở lại toàn bộ các cửa khẩu đường bộ sau thời gian dài phong tỏa chống dịch COVID-19. Theo các chuyên gia kinh tế, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tạo điều kiện cho nhiều ngành hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam có cơ hội lớn. Việc thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam mở cửa sẽ là tín hiệu đáng mừng, nhất là đối với mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công Thương, với nhiều chủ trương và chính sách mới trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính trong nhập khẩu nông sản; đòi hỏi các cơ quan, lực lượng chức năng của Việt Nam và các doanh nghiệp phải nắm bắt thông tin, triển khai đồng bộ các giải pháp để hàng hóa xuất khẩu thuận lợi vào thị trường này.

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất về hoa quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng 45,38%. Trong đó, vải thiều chiếm tỷ trọng 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài, thanh long chiếm tỷ trọng hơn 80%.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã hoàn thiện hệ thống pháp luật, thông qua việc hai lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, đồng thời ban hành Lệnh 248, 249 vào năm 2021 và Lệnh 259 năm 2022.

Đồng thời, Trung Quốc đã liên tục tăng cường thực thi pháp luật khi chủ trương đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nền nếp và tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định.

“Không chỉ gia tăng giá trị xuất khẩu, chúng ta cần phải hướng đến xuất khẩu bền vững, và tìm cách giữ được đối tác quan trọng này”, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi chia sẻ.

Thúc đẩy xuất khẩu sang chính ngạch

Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc, ông Tô Ngọc Sơn khuyến cáo các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.

Với doanh nghiệp, cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó,  chú trọng xây dựng, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường.

Các doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ, tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc và thúc đẩy khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.

Theo ông Sơn, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu quan trọng với nông sản, thủy sản Việt Nam. Bắt kịp và thích ứng với thị trường Trung Quốc sẽ giúp nông sản, thủy sản Việt không chỉ giữ được đối tác quan trọng này mà còn có chỗ đứng tại thị trường Trung Quốc.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, nhằm tranh thủ các cơ hội khi Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại, ngay từ đầu năm, Bộ đã xác định tập trung cao độ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi, khai thác tối đa mọi cơ hội để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đối với những sản phẩm chủ lực của Việt Nam. Đặc biệt là 8 cái loại trái cây và gần đây nhất là 3 loại nông sản và thực phẩm mà Việt Nam mới được Trung Quốc cho xuất khẩu chính ngạch, đó là khoai lang tím, sầu riêng, tổ yến.

Theo ông Phú, Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đã tăng cường trao đổi thông tin thường xuyên, họp giao ban định kỳ, thiết lập những đường dây nóng để trao đổi trực tiếp khi phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

“Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mang sản phẩm sang những hội chợ, triển lãm lớn, chuyên ngành tại Trung Quốc với số lượng khách hàng, doanh nghiệp tham dự đông. Đây cũng là cơ hội quảng bá sản phẩm rất tốt cho doanh nghiệp và cơ hội tìm kiếm đối tác”, ông Phú cho hay.

Cùng với đó, Bộ cũng tổ chức các đoàn doanh nghiệp của Việt Nam sang kết nối giao thương cùng với các doanh nghiệp của Trung Quốc. Đồng thời, đón các đoàn doanh nghiệp của Trung Quốc vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội giao thương, đối tác và nhà cung cấp. Điều này cũng góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cơ hội xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và tận dụng tối đa mọi cơ hội khi thị trường Trung Quốc được hồi phục trở lại.

“Tất cả những hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, Bộ Công Thương luôn nhấn mạnh và tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi một cách tối đa sang là xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh. 

Thu Trang/Báo Tin tức
Nâng chất cho gạo xuất khẩu
Nâng chất cho gạo xuất khẩu

Với xu hướng người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn lương thực chất lượng cao, ngành hàng lúa gạo của Việt Nam dần chuyển đổi sản xuất để thích nghi nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Nông dân trồng lúa dần tìm hiểu thông tin và bán sản phẩm người mua cần thay vì chỉ làm ra sản phẩm mà mình biết như trước đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN